Quy mô đầu tư đang giảm
So với thời kỳ 2006-2010, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP thời kỳ 2011-2013 đã giảm xuống tương đối nhanh, từ 39,2% xuống còn 30,6%. Đây là một sự đổi mới tư duy về việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tức là chuyển từ việc tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, tăng số lượng lao động, tăng trưởng theo số lượng, tăng trưởng theo chiều rộng, sang tăng trưởng chất lượng, tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng bền vững. Theo đó, việc giảm tỷ lệ vốn đầu tư/GDP đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Nhập siêu, nếu thời kỳ 2006-2010 là khá lớn (bình quân trên 12,55 tỷ USD/năm), thì thời kỳ 2011-2013 chỉ bằng 1/4 (khoảng 3,2 tỷ USD/năm, trong đó năm 2012 xuất siêu gần 750 triệu USD). Lạm phát giảm mạnh từ mức rất cao trong các năm trước (11,75% năm 2010, 18,13% năm 2011), xuống còn 6,81% năm 2012 và thấp hơn nữa vào năm nay.
Đây sẽ là năm tăng thấp nhất trong 10 năm qua, cũng là năm đầu tiên không lặp lại chu kỳ “hai năm cao, một năm thấp” đã diễn ra trong 9 năm trước đó. Cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục có số dư, dự trữ quốc tế tính bằng tuần nhập khẩu đã tăng (từ 6 tuần năm 2010, lên 6,5 tuần năm 2011, lên 12 tuần năm 2012, 2013- tức là đạt được giới hạn an toàn tài chính và tính thanh khoản quốc gia theo thông lệ quốc tế). Tỷ giá VND/USD ổn định trong thời gian tương đối dài (năm 2011 tăng 2,24%, năm 2012 giảm 0,96%, 11 tháng năm 2013 tăng 1,04%). Chênh lệch giữa vốn đầu tư với để dành (tích luỹ trong nước) từ mức khá cao trong các năm 2007-2010 (năm 2007 là 9%, năm 2008 là 6,3%, năm 2009 là 10%, năm 2010 là 7,8%) xuống còn mức thấp hiện nay (năm 2011 là 2,8%, năm 2012, 2013 gần như bằng 0).
Tuy nhiên, sự sụt giảm tỷ lệ vốn đầu tư/GDP lại là một trong những yếu tố làm cho tăng trưởng GDP giảm (từ 6,32%/năm trong thời kỳ 2006-2010, xuống còn 5,63%/năm trong thời kỳ 2011-2013), dẫn đến nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế giữa Việt Nam với nhiều nước, đặc biệt là khoảng cách về quy mô tuyệt đối vẫn còn lớn. Bên cạnh đó, tiền đề vật chất để thực hiện mục tiêu về xã hội, nhất là lao động việc làm, kể cả mục tiêu về môi trường cũng bị hạn chế, nếu tăng trưởng suy giảm.
Từ diễn biến và tác động của quy mô vốn đầu tư như trên có thể thấy, việc giảm tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP về lâu dài là đúng hướng và cần thiết. Nhưng nếu đang từ mức rất cao mà giảm quá nhanh, giảm đột ngột như mấy năm nay có thể lợi bất cập hại, làm cho kinh tế rơi vào trì trệ, giảm phát, làm xuất hiện tình trạng “co cụm thủ thế”. Mà trì trệ, giảm phát thường kéo dài và khó khắc phục hơn là tăng trưởng nóng. Do vậy, cần giữ tỷ lệ vốn đầu tư/GDP ở mức 30% bằng với mức để dành trong vài ba năm nữa.
Cốt yếu là nâng cao hiệu quả đầu tư
Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước đã giảm nhanh (từ 54,3% thời kỳ 1996-2000, xuống còn 51,8% thời kỳ 2001-2005, xuống 38,7% thời kỳ 2006-2010, xuống còn 37,8% năm 2012). Trong khi đó, tỷ trọng nguồn vốn ngoài nhà nước đã tăng lên (từ 24,1% thời kỳ 1996-2000, lên 32,5% thời kỳ 2001-2005, lên 36% thời kỳ 2006-2010, lên 38,9% năm 2012). Tỷ trọng vốn FDI cũng đã cao lên, từ 21,6% thời kỳ 1996-2000 lên trên dưới 25% từ thời kỳ 2001-2005 đến nay).
Trong 11 tháng đầu năm 2013, lượng vốn đăng ký đạt 20,82 tỷ USD, tăng 54,2%, vượt xa so với kế hoạch cả năm (13-14 tỷ USD) và hứa hẹn sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Sự vượt trội về nguồn vốn đã tạo điều kiện khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong một số ngành, lĩnh vực (chiếm 46,3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế, chiếm 43,2% tổng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010; chiếm trên 61% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, nếu kể cả dầu thô thì đạt trên 66%; tuy còn chiếm tỷ trọng 3,4% trong tổng mức bán lẻ, nhưng từ 2015, tỷ trọng này sẽ tăng mạnh khi thực hiện cam kết hội nhập). Điều này cũng giải thích tại sao, tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) so với GDP đã giảm (từ 98,2% năm 2005 xuống còn 95,6% trong năm 2012).
Về hiệu quả đầu tư, mặc dù thời kỳ 2011-2013 có khá hơn (hệ số ICOR giảm xuống còn 5,4 lần, thấp hơn mức 6,2 lần của thời kỳ 2006-2010), nhưng vẫn còn cao hơn so với nhiều nước (Đài Loan thời kỳ 1961-1980 là 2,7 lần, Hàn Quốc thời kỳ 1961-1980 là 3 lần, Trung Quốc thời kỳ 2001-2006 là 4 lần, Thái Lan thời kỳ 1981-1995 là 4,1 lần), Do vậy, cùng với việc giảm dần tỷ lệ vốn đầu tư/GDP, cần tập trung cho việc nâng cao hiệu quả đầu tư để tăng trưởng không bị sụt giảm, trong khi chỉ cần một lượng vốn ít hơn.
Để tăng hiệu quả đầu tư, cần chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng nguồn vốn có hệ số ICOR cao, tăng tỷ trọng nguồn vốn có hệ số ICOR thấp; lựa chọn cơ cấu ngành, lĩnh vực đầu tư để có tính lan toả cao, trong đó có các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng khoa học - công nghệ, thu hút nhiều lao động; đồng thời làm tốt công tác quy hoạch, tránh co kéo, dàn trải, giảm thiểu lãng phí, thất thoát
Phương Ngọc