Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ (TTCP) về hoàn thuế GTGT, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất tại Công điện 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023.
Ngày 26/5/2023, TTCP ban hành Công điện 470/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Chỉ đạo mới nhất của TTCP về hoàn thuế GTGT, miễn giảm thuế năm 2023 (Hình từ internet)
Theo đó, TTCP yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, có kế hoạch, thời hạn cụ thể hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023, các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành, nhất là từ năm 2023 và các Công điện, văn bản chỉ đạo gần đây của TTCP một cách thực chất, hiệu quả để người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ, thụ hưởng thật sự; trong đó tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ sau đây:
– Do suy giảm, khó khăn về kinh tế tại các thị trường lớn, truyền thống của chúng ta như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nhu cầu tiêu dùng chưa được phục hồi trong ngắn hạn, làm giảm sút, thậm chí đứt gãy các chuỗi cung ứng như các mặt hàng điện tử, dệt may, da giầy, khoáng sản, đồ gỗ… Vì vậy, giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phám, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có Hiệp định FTA với Israel và các Hiệp định với các đối tác khác (UAE, MERCOSUR…) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, nhất là những mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng, lợi thế.
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để góp phần kiểm soát lạm phát và chỉ đạo hạ lãi suất điều hành nhưng mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay kịp thời vẫn còn cao, các quy định tiếp cận vốn vẫn khó khăn, các gói hỗ trợ giải ngân chậm… Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
+ Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường quản lý hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là về đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng, góp phần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lao động giá rẻ và vốn có chi phí thấp, góp phần giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phát triển theo chiều rộng, vừa phát triển theo chiều sâu.
+ Tiếp tục rà soát các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn…; đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra, không để xảy ra trục lợi chính sách, vi phạm quy định pháp luật.
– Yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp (hoàn thành trước ngày 28 tháng 5 năm 2023); thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục đề xuất các chính sách nếu thấy còn dư địa.
– Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
+ Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp và tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số; kiểm tra, xem xét, xử lý những cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không dám thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
+ Trực tiếp chỉ đạo thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được ban hành và chỉ đạo của Chính phủ, TTCP; định kỳ trước ngày 25 hằng tháng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện và đề xuất, kiến nghị (nếu có) để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.
– Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc thực hiện các nội dung của Công điện này; báo cáo kết quả thực hiện kịp thời cho TTCP tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả.
(Nguồn: Thư viện Pháp luật)