Thị trường công nghệ tài chính (fintech) Việt tăng trưởng nóng, song nút thắt về chính sách trong bối cảnh tài chính căng thẳng vẫn chưa được cởi bỏ…
Điểm sáng fintech Việt Nam
Trong năm 2022, trong khi các công ty công nghệ trên toàn thế giới phải vật lộn với “mùa đông gọi vốn”, thì các công ty fintech ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn tiếp tục huy động nguồn vốn khổng lồ.
Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á mới đây do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện cho biết, thị trường thanh toán điện tử đang bùng nổ ở Đông Nam Á và dự báo đạt 2.000 tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2030. Giá trị thị trường thanh toán điện tử tăng vọt khi các công ty fintech và ngân hàng số liên tục ra đời. Thị trường này cũng là một trong những lĩnh vực thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất trong khu vực.
Trong nửa đầu năm 2022, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đã huy động được nguồn vốn tài trợ kỷ lục trị giá 4 tỷ USD. Nhà đầu tư cũng bày tỏ sự tin tưởng vào mảng thanh toán và tín dụng tiêu dùng.
“Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Dịch vụ tài chính kỹ thuật số được kỳ vọng phát triển vượt bậc, với khoản cho vay tăng mạnh và các khoản đầu tư kỹ thuật số sẽ nhảy vọt sau năm 2025. Cụ thể, lĩnh vực cho vay kỹ thuật số đạt tốc độ tăng trưởng kép hằng năm nhanh nhất, ở mức 114%. Lĩnh vực đầu tư dự kiến có bước nhảy vọt lớn nhất vào năm 2025, với mức tăng trưởng kép hằng năm hơn 106%”, bà Stephanie, Phó chủ tịch Google châu Á – Thái Bình Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á nhận định.
Còn theo dự báo của Robocash Group, đến năm 2024, thị trường fintech Việt Nam sẽ chạm mốc 18 tỷ USD. Các nhà phân tích Robocash Group ước tính, 93% vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam được dành cho mảng ví điện tử và thanh toán điện tử.
Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển fintech dựa trên những lợi thế về quy mô dân số và nguồn nhân lực am hiểu công nghệ thông tin cũng như thói quen tiêu dùng số ngày càng tăng lên. Trong bối cảnh các kênh đầu tư đang gặp nhiều khó khăn, thì fintech được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới.
Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho fintech đang là một trở ngại lớn.
Cần sớm ban hành khung pháp lý
Tại Việt Nam, hầu như chưa có khung khổ pháp lý quy định rõ về các sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động của các công ty fintech. Từ việc thiếu hành lang pháp lý, các đối tượng xấu đã lợi dụng kẽ hở để thực hiện những hành vi phạm tội, “núp bóng” fintech.
TS. Nguyễn Văn Hiến, Phó hiệu trưởng Trường đại học Tài chính cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển fintech thông qua các chương trình, đề án, song khung khổ pháp lý đối với lĩnh vực này chưa đầy đủ, rõ ràng.
“Thời gian gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển khá nhanh của công nghệ. Khung khổ pháp lý, về cơ bản, mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực fintech trong hoạt động thanh toán, chưa đầy đủ và đồng bộ cho các hoạt động khác, đặc biệt là hoạt động cho vay ngang hàng”, ông Hiến nhận định.
Chia sẻ vấn đề này, TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, sáng lập viên Trung tâm Fintech-Crypto RMIT (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, thị trường fintech đang thiếu khung pháp lý phù hợp và cần nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này hơn nữa.
“Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất việc thiết lập khung khổ pháp lý và cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho lĩnh vực fintech từ năm 2017, nhưng đến nay, kế hoạch này chưa được hiện thực hóa. Do đó, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là nhanh chóng ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm fintech. Cơ chế này cần cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động fintech tại Việt Nam, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh, vận hành tại Việt Nam. Nếu không có cơ chế này sớm vào năm 2023, Việt Nam có thể vuột mất cơ hội trở thành trung tâm fintech-blockchain hàng đầu trong bối cảnh các quốc gia khác đang đẩy mạnh cạnh tranh”, ông Huy khuyến nghị.
Bên cạnh cho vay ngang hàng, thị trường fintech thời gian qua xuất hiện nhiều mô hình chưa từng có tại Việt Nam, như đầu tư online vào các tài sản số, blockchain bất động sản…, gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, vẫn chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh.
Ông Trần Việt Vĩnh, CEO Fiin Credit nhận định, khó khăn lớn với các doanh nghiệp fintech hiện nay là khung pháp lý chưa đầy đủ, rõ ràng. “Vấn đề pháp lý mà chúng ta hay đề cập ở đây là sự giới hạn các cơ hội phát triển của doanh nghiệp, giới hạn cơ hội hợp tác, nhận đầu tư hay phát triển quy mô tăng trưởng nhanh hơn”, ông Vinh chia sẻ.
Thanh toán số và cho vay cấp vốn – đầu tư số, đang là xu hướng chung ở nhiều quốc gia và đã tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính tiêu dùng. Việt Nam đã đi chậm hơn so với các nước trong việc cấp phép ngân hàng thuần số, cho nên, pháp lý cho hoạt động của fintech cần nhanh chóng hoàn thiện để tạo điều kiện cho start-up lĩnh vực tài chính tận dụng cơ hội chiếm lĩnh thị phần.
Các doanh nghiệp fintech đang ngóng chờ cơ chế sandbox. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, hạ tầng để doanh nghiệp fintech có cơ hội phát triển và phát triển đồng bộ. Đặc biệt, cần có các quy định về vốn, công nghệ, chuẩn mực hoạt động và quản lý rủi ro đối với các công ty muốn tham gia thị trường fintech.
Cơ chế thử nghiệm mới, khi được ban hành, sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư; đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng và cho vay nhỏ lẻ phục vụ sản xuất – kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Theo khảo sát của MasOffer Fintech, trong số 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam vào cuối năm 2021, có 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 22 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng, 22 công ty hoạt động về blockchain, crypto… Các công ty Fintech Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng hai lĩnh vực được tập trung nhất là thanh toán qua ví điện tử và cho vay ngang hàng.