Người đồng sáng lập công ty bị tố lừa đảo, tôi có liên lụy?

Tôi là giám đốc, đại diện pháp luật công ty. Bạn là người đồng sáng lập, tự làm con dấu riêng ký hợp đồng với khách, nay bị điều tra tội lừa đảo. (Độc giả Xuân Mừng)

Trước đó tôi phát hiện bạn ký hợp đồng riêng, lấy danh nghĩa công ty nhưng do làm ăn chung, lại là bạn bè nên chỉ nhắc nhở.

Sau này, sự việc lặp lại, tôi quyết định chuyển giao công ty cho một mình bạn làm. Nay công ty vỡ nợ, quỵt tiền nhân viên và lừa đảo các khách hàng, bị tố giác và điều tra.

Xin hỏi nếu bạn và công ty bị pháp luật truy cứu hình sự, tôi có bị liên lụy?

Luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty Luật TNHH Fanci) tư vấn phải xác định rõ tại thời điểm anh Mừng “rời đi” thì đã chấm dứt hoàn toàn về mặt pháp lý với công ty chưa? Cụ thể, anh đã chấm dứt tư cách người đại diện tại công ty chưa?

Nếu chưa, khi có đơn kiện hay tố cáo, anh Mừng vẫn phải tham gia tố tụng. Do khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp quy định, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp, có các trách nhiệm sau:

– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp;

– Đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án;

– Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Luật sư Hải cho hay cần xác định, khi ký hợp đồng, người bạn của anh Mừng giữ chức vụ gì trong công ty và có tư cách ký hợp đồng không. “Về nguyên tắc, ai đại diện ký hợp đồng sẽ phải chịu trách nhiệm với hợp đồng đó và trong vụ việc dân sự thì anh sẽ không ảnh hưởng gì. Bạn anh sẽ phải tham gia tố tụng giải quyết hậu quả từ các giao dịch đã ký”, luật sư nhận định.

Tuy nhiên, trong trường hợp có đơn tố cáo về lừa đảo đối với hành vi của người bạn, anh Mừng cũng phải phải tham gia cùng cơ quan điều tra để làm rõ các tình tiết vụ án.

Đối với vụ án hình sự, nhà chức trách sẽ kết tội theo hành vi cá nhân chứ không phải theo chức vụ trong công ty. Trong nhiều vụ án có người đứng làm giám đốc ký các hợp đồng có dấu hiệu lừa đảo, song không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bởi tại các vụ án đó, giám đốc chỉ được “thuê ký”, không thực sự tham gia hoạt động công ty, không biết, không vụ lợi từ việc lừa đảo, chỉ nhận sự chỉ đạo điều hành từ người khác, luật sư giải thích.

Trong quá trình hoạt động của một doanh nghiệp, người nào có hành vi vi phạm pháp luật mới phải chịu trách nhiệm.

“Vì vậy, nếu bạn không ký các hợp đồng đó, không tham gia hoạt động công ty hoặc không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, bạn không cần phải quá lo lắng nếu bị tố giác, khởi kiện. Bạn nên nghiêm chỉnh chấp hành theo quá trình tố tụng của cơ quan giải quyết”, luật sư Hải khuyên.

(Nguồn: Vnexpress.net)

Translate »