Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế Nguyễn Thanh Tú, Bộ Tư pháp, cho biết để đối mặt với những khó khăn trong quá trình phục hồi kinh tế, phản ứng chính sách pháp luật phải nhanh, kịp thời hơn.
Hậu Covid-19, Chính phủ triển khai xây dựng rất nhanh chính sách phục hồi kinh tế như các gói hỗ trợ kinh tế, lãi suất, giảm thuế phí. Bên cạnh kết quả tích cực đạt được vẫn có hiện tượng phản ứng của chính sách chưa được như mong muốn.
Trong việc đưa chính sách vào cuộc sống bên cạnh vướng mắc về pháp lý còn tồn tại những ý kiến về thủ tục pháp lý, hành chính. Cụ thể, rất nhiều doanh nghiệp không muốn tiếp cận với gói chính sách bởi vì chi phí thời gian bỏ ra còn cao hơn lợi ích nhận được. Khi phản ứng chính sách tốt hơn thì hiệu quả gói phục hồi kinh tế mới sẽ có thể đạt được cao hơn.
Trả lời ý kiến trên, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết trong đại dịch và hậu đại dịch, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ ngành đã có nhiều nỗ lực để triển khai chương trình phục hồi phát triển, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ông thẳng thắn thừa nhận có rất nhiều chính sách và cũng rất nhanh, tuy nhiên phản ứng chính sách, điều chỉnh chính sách còn có những điểm còn chậm, chưa hợp lý.
Những vướng mắc, khó khăn này của các doanh nghiệp sẽ được trao đổi chi tiết trong một phiên thảo luận tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề: “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển” do Bộ Tư pháp tổ chức vào ngày 20/12 sắp tới.
Diễn đàn có 2 phiên, với sự tham dự, chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; sự tham gia của lãnh đạo một số ban, bộ ngành và địa phương; các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học, và đặc biệt là đông đảo đại diện của các doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Ông Tú lấy ví dụ về gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng hiện tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ vài chục tỷ đồng. Đại diện Bộ Tư pháp cho biết việc giải ngân khó khăn bởi nhiều lý do. Một lý do là điều kiện giải ngân doanh nghiệp phải phục hồi nằm trong Nghị quyết 43 của Quốc hội. Hiện Nghị định 31 năm 2022 của Chính phủ gỡ khó cho doanh nghiệp cũng không thể vượt quá Nghị quyết của Quốc hội.
Vụ trưởng cho biết các bộ ngành trong đó có Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Chính phủ cũng đã nhận diện được vấn đề. 2 hướng xử lý sẽ được đưa ra. Một là phải sửa để làm sao cho tiếp cận tốt. Hai là nếu quá khó xử lý thì phải chuyển hướng hỗ trợ khác.