Không góp đủ vốn điều lệ, doanh nghiệp không được hoàn thuế GTGT?

Nếu không góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký thì có được hoàn thuế không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp. 

1. Cơ sở kinh doanh không đủ vốn điều lệ có được hoàn thuế GTGT không?

Theo khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế có quy định như sau:

“1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp:

a) Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn Điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có Điều kiện khi chưa đủ các Điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ Điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động;

b) Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.

Chính phủ quy định chi Tiết Khoản này

Theo đó, cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký thì sẽ không được hoàn thuế GTGT mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư đó sang kỳ tiếp theo quy định của pháp luật.

Nếu không góp đủ số vốn điều lệ đã đăng ký thì có được hoàn thuế GTGT không?

2. Có được góp vốn điều lệ bằng tiền mặt không?

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch tài chính của doanh nghiệp thì hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn được quy định như sau:

Điều 3. Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác

1. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.

2. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:

a) Thanh toán bằng Séc;

b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;

c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

3. Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Theo đó, khi một doanh nghiệp góp vốn để thành lập doanh nghiệp khác thì không được sử dụng tiền mặt để thanh toán mà phải sử dụng các hình thức theo quy định nêu trên. Đối với trường hợp cá nhân góp vốn để thành lập công ty, thì hoàn toàn có thể góp bằng tiền mặt, bên nhận vốn góp phải xuất phiếu thu tiền mặt.

(Nguồn: Thư viện Pháp luật)

Translate »