Luật sư hướng dẫn cách đối phó khi bị ‘nhái’ thương hiệu quán

Anh Quốc Minh bị phụ bếp lâu năm của mình lấy trộm bí quyết nấu, mở quán “nhái” với bảng hiệu giống hệt. Anh chưa đăng ký bản quyền thương hiệu và bị người này doạ sẽ đăng ký trước.

Anh Minh chia sẻ, quán ở hai phường khác nhau nhưng nhiều người chưa biết, thấy tên quán và logo giống nhau nên vào nhầm.

“Thi thoảng người đến ăn quán “nhái” không hài lòng lại vào nhầm quán tôi để đánh giá, review thấp khiến tôi vạ lây”, anh cho hay, đã yêu cầu phụ bếp cũ này đổi tên, thay logo. Song người này nói anh Minh chưa đăng ký bản quyền tên, logo quán mì, vì thế anh ta không vi phạm gì và từ chối làm theo yêu cầu.

Anh Minh đã kinh doanh 20 năm nhưng chưa từng nghĩ đến việc bị “nhái” thương hiệu nên không đăng ký bản quyền. Anh có thể kiện phụ bếp kia hay không? đồng thời xin lời khuyên đối phó với kiểu “kinh doanh không văn minh” này?

Giải đáp thắc mắc của anh Minh và tranh luận của các độc giả, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc) cho hay, khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân.

“Nhãn hiệu chỉ được bảo hộ khi tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp”, luật sư Bình phân tích. Vì vậy, nếu quán mì gia truyền của gia đình anh Minh chưa đăng ký nhãn hiệu sẽ không được bảo hộ. Kéo theo đó là hệ quả không có chế tài để xử lý với bất kỳ cá nhân hay tổ chức có hành vi “nhái” tên logo hay thương hiệu của gia đình anh,

Luật sư hướng dẫn, để logo hay tên thương hiệu được bảo hộ, anh cần đăng ký nhãn hiệu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tức Cục Sở hữu trí tuệ.

Để nhãn hiệu được bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:

“1. Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;

2. Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác”.

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu

Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện trên cần nộp hồ sơ (chi tiết các loại giấy tờ) đăng ký nhãn hiệu trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc hai văn phòng đại diện của Cục tại TP HCM và Đà Nẵng.

Cơ quan chức năng sau đó sẽ thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu, thời gian 1-2 ngày sau nộp đơn, thẩm định nội dung của nhãn hiệu trong thời gian 9-12 tháng.

Kết thúc thời gian thẩm định nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và ghi rõ lý do. Sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng, người nộp đơn nộp lệ phí cấp văn bằng nhãn hiệu.

Cục Sở hữu trí tuệ cấp và công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu trong thời gian 1-2 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Luật sư cho hay, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền nhãn hiệu:

– Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

– Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi xâm phạm tên thương mại có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, luật sư Bình cho biết.

Nếu quá trình đối thoại với quán đối thủ chưa có kết quả, anh Minh nên sớm đối chiếu xem thương hiệu quán mì gia truyền của mình có đủ 2 điều kiện ở Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 nói trên hay không. Sau đó, anh Minh có thể làm hồ sơ xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

(Nguồn: Vnexpress.net)

Translate »