Tranh chấp khi thông tin không rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm – Lưu ý cho các bên

Hợp đồng bảo hiểm là sự phòng bị về tài chính khi chẳng may rơi vào tình huống bất trắc, là giải pháp giúp mang đến sự an tâm cả về vật chất và tinh thần cho người tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ tranh chấp thuộc lĩnh vực bảo hiểm vẫn khá căng thẳng vì nhiều lý do như điều khoản không rõ ràng, khách hàng không cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực… 

Vậy, bên bán và bên mua bảo hiểm cần có nghĩa vụ gì khi kí kết hợp đồng bảo hiểm? Và các bên cần lưu ý điều gì để hạn chế tối đa các tranh chấp? Những phân tích, chia sẻ của TS. LS. Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái An đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.

Tranh chấp khi thông tin không rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm – Lưu ý cho các bên ảnh 1

PV: Trước tiên, xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa ông, thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp người mua bảo hiểm cung cấp thông tin không rõ ràng hoặc gian dối khi tiến hành kí kết hợp đồng với các doanh nghiệp bảo hiểm. Vậy, trong những trường hợp này, người mua bảo hiểm đã vi phạm quy định gì của pháp luật và có thể phải đối diện với những hệ quả pháp lý như thế nào, thưa ông?

TS. LS. Nguyễn Văn Thanh

Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH) năm 2022 đã quy định: Người mua bảo hiểm có nghĩa vụ “Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm…”. Đây là nghĩa vụ rất quan trọng đối với khách hàng, kể cả khi họ đi kiểm tra sức khỏe theo chỉ định bên bảo hiểm (ví dụ, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe) cũng không thể thay thế nghĩa vụ “kê khai đầy đủ, trung thực” nêu trên.

Căn cứ Khoản 2 Điều 22 Luật KDBH 2022, trường hợp bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin không rõ ràng như thông tin không đầy đủ hoặc sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng thì họ có thể gặp nhiều rủi ro pháp lý như:

– Bên bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm;

– Hoặc bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

– Bên mua bảo hiểm còn phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên bảo hiểm (nếu có).

Ngoài ra, Trường hợp người mua bảo hiểm có hành vi gian dối khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 213 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về “Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”. Theo đó, khung hình phạt cao nhất đối với cá nhân mua bảo hiểm là bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; và còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng.

Tranh chấp khi thông tin không rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm – Lưu ý cho các bên ảnh 2

PV: Thưa ông, về phía doanh nghiệp bảo hiểm, thực tế cũng có trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không cung cấp thông tin rõ ràng cho người mua, tạo cho bên mua hiểu lầm về quyền lợi bảo hiểm. Vậy, pháp luật đã có những quy định gì để bảo vệ quyền lợi của người mua trong những trường hợp này, thưa ông?

TS. LS. Nguyễn Văn Thanh:

Luật KDBH hiện hành có các quy định cụ thể nghĩa vụ cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm khi kí kết hợp đồng với khách hàng như sau:

– Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm (khoản 1 Điều 22 Luật KDBH 2022).

– Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm; Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm (khoản 2 Điều 20 Luật KDBH)

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định rõ Trách nhiệm và hậu quả pháp lý khi bên bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tinnhư sau: – Bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nếu bên bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm (khoản 3 Điều 22 Luật KDBH 2022).

Ngoài ra, căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP và khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP bên bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có thể bị xử phạt (áp dụng đối với bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe) như sau:

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

b) Không thực hiện thông báo cho bên mua bảo hiểm về tình trạng hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này.

Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị định 80/2019/NĐ-CP thì mức xử phạt được quy định trên đây là mức xử phạt đối với cá nhân. Mức xử phạt đối với doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

PV: Thưa ông, vậy khách hàng nên chuẩn bị và lưu ý những gì khi kí kết hợp đồng bảo hiểm, thưa ông?

TS. LS. Nguyễn Văn Thanh

Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm, khách hàng cần lưu ý một số vấn đề như sau:

– Hiện tại trên thị trường có nhiều loại bảo hiểm, khách hàng cần tìm hiểu, lựa chọn loại bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu và tài chính cá nhân/gia đình hay công ty của mình.

– Đọc và hiểu kỹ các điều khoản, điều kiện của hợp đồng bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm và quyền lợi được bảo hiểm và hiểu rõ các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm…

– Tham khảo ý kiến chuyên gia và yêu cầu đại lý bảo hiểm (tư vấn viên) giải thích rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mình…

– Cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và rõ ràng về bản thân/gia đình/công ty, tài sản và rủi ro để bên bảo hiểm đánh giá và lập hợp đồng.

PV: Thưa ông, vậy còn về phía doanh nghiệp bảo hiểm, xin ông có thể chia sẻ một số lời khuyên cho doanh nghiệp bảo hiểm khi kí kết hợp đồng với khách hàng để hạn chế tối đa các tranh chấp có thể xảy ra.

TS. LS. Nguyễn Văn Thanh

Để phòng ngừa hoặc hạn chế tối đa những rủi ro tranh chấp với khách hàng, tránh được khiếu kiện kéo dài, khi giao kết hợp đồng doanh nghiệp bảo hiểm cần lưu ý:

– Cung cấp thông tin rõ ràng, dễ hiểu cho bên mua bảo hiểm. Bao gồm: Các điều khoản, điều kiện, mức độ bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của cả bên mua bảo hiểm và bên bảo hiểm.

– Đảm bảo rằng các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng bảo hiểm được soạn thảo một rõ ràng, công bằng, minh bạch, tránh có sự bất đồng trong cách hiểu giữa các bên.

– Do đại lý bảo hiểm hoặc tư vấn viên bảo hiểm là người trực tiếp tiếp xúc, tư vấn với khách hàng, nên doanh nghiệp bảo hiểm cần đảm bảo rằng nhân viên và đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm được đào tạo chuyên sâu về sản phẩm, quy trình và quy định bảo hiểm để họ tư vấn nghiêm túc, đầy đủ, trung thực, chính xác cho khách hàng, giúp khách hàng hiểu rõ về hợp đồng bảo hiểm và quyền lợi của mình.

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: https://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

(Nguồn: tienphong.vn)

Translate »