Tháo gỡ vướng mắc pháp lý – Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển

Tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả,… mà còn góp phần thiết thực giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo đó, trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực, các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này. Kết quả tổng kết năm 2022 cho thấy, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã rà soát gần 28.000 văn bản liên quan và đã kiến nghị, đề nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ gần 6000 văn bản.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thực tế, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao, nguồn lực dành cho công tác này còn hạn chế.

Tháo gỡ vướng mắc pháp lý được cho là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển – Ảnh minh họa: QĐND

Theo bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thời gian qua, dù Chính phủ đã kịp thời có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó.

Dẫn chứng gói hỗ trợ lãi suất 2%, bà Thảo cho rằng, các doanh nghiệp rất cần vốn nhưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này khó vô cùng.

“Họ kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có sự điều chỉnh các quy định, để làm sao họ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn”, bà Thảo chia sẻ.

Cũng theo bà Thảo, gần như những doanh nghiệp đang cần vốn trong bối cảnh hiện nay đều kỳ vọng nên chăng có sự điều chỉnh quy định để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và ngân hàng thương mại cũng tự tin hơn khi cung cấp gói hỗ trợ. Khi tiếp cận chính sách, doanh nghiệp luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật. Nhưng khi thực hiện thì khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót. Do đó, mong muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nếu có, nên tập trung hướng dẫn để doanh nghiệp làm tốt hơn, thay vì nhìn họ như là đối tượng vi phạm pháp luật.

Đồng quan điểm đã nêu, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% là rất tốt nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý. Thực tế nguồn vốn hỗ trợ là tiền ngân sách nên các ngân hàng thương mại rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng vì sau này còn có thanh tra, kiểm tra.

Pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản – Ảnh minh họa: BĐT

Thực tế, những vướng mắc về chính sách, pháp lý dù đã được tháo gỡ trên nhiều phương diện, tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế nhất định khiến cộng đồng doanh nghiệp vô cùng quan ngại.

Theo đó, trong văn bản thông tin về cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, giữa các doanh nghiệp bất động sản phía Nam với lãnh đạo Chính phủ trước đó, Hiệp Hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.

Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành “Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án đô thị, nhà ở…

Hay như mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ – Phạm Minh Chính, đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải ô tô.

Theo đơn vị này, vận tải ô tô là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Sau một thời gian dài, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường bộ hết sức khó khăn. Đến nay nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp đã có dấu hiệu tăng trở lại, là cơ hội để ngành vận tải đường bộ hồi phục.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình thế giới diễn biến phức tạp, chiến tranh giữa Nga – Ukraina leo thang đã khiến giá xăng dầu liên tục tăng cao; vận tải hành khách diễn biến phức tạp, tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình chưa được kiểm soát đã khiến cho thị trường suy giảm. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi đã lại gặp phải những khó khăn mới.

Do vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay, duy trì hoạt động kinh doanh, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất được tiếp tục cơ cấu khoản nợ vay tại ngân hàng, giãn thời gian nộp thuế, lùi thời hạn đóng bảo hiểm mà không phải chịu phí nộp chậm,…

Trước thực tế đã nêu, các chuyên gia đều cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý sẽ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Bởi, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả,… mà còn góp phần thiết thực giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thông tin tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển” mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ – Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, cần có bước đi, lộ trình phù hợp với từng giai đoạn nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/

Translate »